Nếu ai đó bảo email marketing là khái niệm mới mẻ tại VN, tôi cực lực phản đối! Chỉ có điều, trước đây, người ta dùng một từ khác: SPAM! Hậu quả đau lòng này đến từ việc “không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Email marketing không phải cây đũa thần có thể áp dụng cho mọi sản phẩm, dịch vụ, mọi chiến dịch marketing và mọi đối tượng khách hàng. Nó có ưu, nhược điểm và cả những ngộ nhận “bị” gán ghép oan uổng bao lâu nay!
Ưu điểm
1.Chi phí thấp
Không có gì dễ dàng bằng việc chứng minh email là cách tiếp cận khách hàng rẻ nhất. Gửi một bức thư (trong nước), bạn tốn 2.000đ. Gọi một phút điện thoại (nội hạt), bạn tốn ít hơn, chỉ có 200đ. Nhưng gửi một email (đi bất kỳ nơi nào trên thế giới), bạn thậm chí chẳng mất xu nào (tất nhiên, trừ phi bạn ngồi lọ mọ tính số KB trên hóa đơn cước Internet).
2.Nhanh chóng
Để chứng minh tốc độ của email là vô địch thì khó hơn một chút. Bạn mất khoảng 1h để gửi đi 5.000 emails (theo kinh nghiệm dùng dịch vụ MailChimp của tôi). Với bưu điện, bạn mất ít nhất 1 ngày (nếu dùng chuyển phát nhanh). Còn điện thoại thì…tôi không dám tính!
3.Dễ đo lường
Một trong những đặc trưng của internet marketing là có thể đo lường. Email marketing còn hơn thế. Nó dễ đo lường hơn. Tin tôi đi, nếu được lựa chọn phân tích report của Google Analytics và Report của email marketing, chẳng ma nào dám chơi với Google đâu!
Nhược điểm
1.Định kiếm SPAM
Câu “quýt làm, cam chịu” rất đúng với nhược điểm này của email marketing. Sau nhiều năm bị spam, khách hàng bây giờ thậm chí chỉ đọc email cá nhân từ người quen, số còn lại xóa tất! Và tệ hơn nữa là nhiều doanh nghiệp khi nghe giới thiệu dịch vụ email marketing thì chối đây đẩy nhưng tối đến lại hù hục spam rồi cười khẩy “Tưởng gì! Email marketing thì có gì ghê gớm mà phải thuê bên ngoài!”
2.Khả năng kiểm soát và điều chỉnh
Sau khi đã có một nội dung ngon lành, thiết kế bắt mắt, bạn thở phào khoan khoái nhấn Send. Kể từ thời điểm nay, chiến dịch email marketing của bạn phó mặc vào…ý trời! Bởi không giống như SEO và SEM, bạn có thể kiểm soát và điều chỉnh ngay khi chiến dịch đang chạy. Email marketing giống như viên đạn đã ra khỏi nòng, chỉ có thể điều chỉnh ở bắn kế tiếp.
Ngộ nhận
1.Số lượng > Chất lượng
Tham lam là điều tốt (nguyên văn “Greed is Good” – phim Wall Street) nhưng rủi thay, ta lại tham lam theo kiểu chụp giựt. Thay vì tăng chất lượng database khách hàng bằng cách phân loại, tăng tỉ lệ phản hồi tích cực với nhiều thông tin, nhiều lợi ích cho khách hàng, chúng ta lại nhăm nhăm tìm mua một database “khủng” rồi chơi trò “một phát ăn ngay, không ăn thì bỏ!”
2.Tỉ lệ vào inbox
Nếu có cuộc bình chọn “Lời quảng cáo trơ trẽn nhất thế giới”, tôi tin rằng câu “Tỷ lệ email vào inbox là xx% (xx dao động từ 80 – 99%)” sẽ ít nhất nằm trong top 3. Cho dù bạn chắc chắn 100% địa chỉ email là đúng và còn hoạt động, bạn không thể bắt người nhận email gỡ bỏ các bộ lọc email và lại càng không thể bắt nhà cung cấp dịch vụ email (như Gmail, Yahoo Mail, Hotmail,…) làm điều đó. Và điều quan trọng nhất là: trong email marketing, tỉ lệ vào inbox chẳng có ý nghĩa gì!